1. Nghiên cứu giống mía tốt, chuyển giao nhanh ra sản xuất, đẩy lùi bệnh chồi cỏ

Dịch bệnh chồi cỏ (do Phytoplasma) xuất hiện tại NASU vào năm 2005, bùng phát dữ dội vào năm 2008 với hơn 50% diện tích mía bị nhiễm bệnh. Khác với những bệnh khác trên cây mía, bệnh này không có thuốc đặc trị để phòng trị bệnh. Nhiều thửa ruộng bị bệnh chồi cỏ nặng, năng suất mía giảm từ 50 - 70%, chất lượng giảm mạnh. Hậu quả là nông dân trắng tay, nhà máy thiếu nguyên liệu. Để đối phó với dịch chồi cỏ, UBND tỉnh Nghệ An công bố dịch và ban hành chính sách hỗ trợ cho nông dân khi tiêu hủy mía bị bệnh và trồng lại bằng giống sạch bệnh với trị giá 2,5 triệu đồng/ha; công ty mía đường hỗ trợ 2 triệu đồng/ha và đầu tư cho nông dân vay tiền để trồng mía. Tuy nhiên, những giải pháp đó chỉ giải quyết vấn đề trước mắt là khống chế bệnh và có nguyên liệu cho nhà máy hoạt động.

Bệnh chồi cỏ bùng phát dữ dội làm hơn 50% diện tích mía bị nhiễm bệnh

Qua nhiều năm khảo nghiệm, đánh giá theo chương trình hợp tác với Viện Nghiên cứu mía đường, từ năm 2011 đến năm 2014, giống mía LK92-11 và KK3 đã thể hiện được các đặc tính nông học tốt, đó là: năng suất đường cao, kháng với các loại bệnh than, chồi cỏ; không trỗ cờ, bấc ruột, lưu gốc tốt. Từ năm 2015, NASU bắt đầu thuê đất xây dựng các ruộng nhân giống theo hệ thống nhân giống 3 cấp để nhân nhanh các giống LK92-11 và KK3. Giống trồng trên ruộng cấp 1 có nguồn gốc từ nhân giống mía mô tế bào hoặc xử lý hom mía 1 mắt bằng nước nóng. Trong những năm đầu triển khai, mía trồng từ nguồn giống nuôi cấy mô sinh trưởng kém; mía được trồng từ nguồn giống xử lý hom mía bằng nước nóng bị chết nhiều sau khi trồng. Thông qua chương trình hợp tác với Trung tâm Ứng dụng TBKH kỹ thuật thuộc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Nghệ An trong chương trình dự án "Áp dụng các giải pháp kỹ thuật tiến bộ xây dựng mô hình sản xuất mía nguyên liệu đạt năng suất và hiệu quả kinh tế cao trên địa bàn tỉnh Nghệ An". Dự án đã cử cán bộ đến Viện Nghiên cứu Mía đường chuyển giao tiến bộ kỹ thuật xử lý kép hom mía bằng nước nóng. Xử lý lần 1 ở nhiệt độ 52oC, thời gian 30 phút, sau đó vớt ra để từ 12-18 giờ với mục đích là khích thích các loại virus, vi khuẩn, Phytoplasm chuyển sang trạng thái hoạt động tích cực, tự phân chia tế bào; sau đó tiến hành xử lý lần 2 ở nhiệt độ 50oC, thời gian xử lý 120 phút để tiêu diệt.

Với quy trình công nghệ được chuyển giao, đến nay NASU đã hoàn toàn chủ động khâu sản xuất giống mía thông qua xử lý nước nóng hom mía trên cả ruộng nhân giống của công ty và ruộng nông dân. Tỷ lệ hom nẩy mầm sau khi xử lý đạt trên 80%, mầm mía mọc nhanh, đồng đều, sạch các loại bệnh lây truyền qua hom giống. Năng suất ruộng mía được trồng từ hom xử lý nước nóng cao hơn so với không xử lý từ 15-20%, các ruộng mía này đều được công ty công nhận là giống mía sạch bệnh dùng để bán giống cho các hộ nông dân khác, giá mía giống cao hơn, tăng thu nhập cho nông dân.

 Do nhu cầu xử lý hom mía bằng nước nóng tăng, công ty đã cải tiến hệ thống, lắp đặt đường ống và lấy nước nóng từ nhà máy trong quá trình sản xuất đường. Công suất xử lý tăng lên, trung bình xử lý 8 tấn/ngày.

Ngoài ra, công ty đã hoàn thiện quy trình sản xuất giống mía có nguồn gốc từ nuôi cấy mô tế bào, kết hợp với hệ thống tưới tiết kiệm và bón phân tự động (Netafim), năng suất mía trồng từ biện pháp này đạt 55-60 tấn sau 7-8 tháng sau trồng, chất lượng hom giống đảm bảo.

2. Lấy mẫu phân tích thành phần hóa học, xây dựng công thức bón phân, chất cải tạo đất trồng mía

 Giống mía tốt chỉ phát huy tối đa các đặc tính nông học khi được chăm sóc và bón phân đúng quy trình kỹ thuật. Để nâng cao năng suất, chất lượng mía, cải tạo đất trồng, bổ sung đầy đủ, cân đối các chất dinh dưỡng thiết yếu cây mía cần, NASU đã lấy gần 2.000 mẫu đất trên vùng nguyên liệu để phân tích các chỉ tiêu hóa học cơ bản. Từ kết quả phân tích, xác định khả năng cung cấp các nguyên tố dinh dưỡng từ đất, sự thiếu hụt cần bổ sung thông qua phân bón. Qua nhiều thí nghiệm so sánh các công thức bón phân khác nhau, đến nay công ty  khuyến cáo cho nông dân công thức bón phân, chất cải tạo đất trồng mía, đó là: từ 500-2000 kg vôi bột hoặc chất điều hòa pH, kết hợp với phân bón NPK có tỷ lệ 2-1-3.

Để giúp nông dân áp dụng kết quả nghiên cứu vào thực tế sản xuất, công ty mở nhiều lớp tập huấn, xây dựng mô hình, tổ chức hội thảo. Nhiều địa bàn trồng mía, nông dân vay và mua phân bón theo khuyến cáo, bón phân đúng thời điểm cây mía cần, vùi sâu phân bón vào đất; không còn lạm dụng, bón quá nhiều phân đạm và bón muộn, ảnh hưởng đến sự chín của mía và tạo điều kiện cho các loại sâu bệnh hại phát sinh, phát triển và gây hại.

Từ năm 2019, NASU bắt đầu nghiên cứu chuyên sâu, xem xét sự ảnh hưởng của các chất dinh dưỡng trung lượng đến năng suất và chất lượng mía. Bổ sung thêm phân bón trung và vi lượng sẽ giúp cây mía hút nhiều nguyên tố dinh dưỡng đa lượng, nâng cao hiệu suất quang hợp, tăng cường các hoạt động sinh lý, sinh hóa diễn ra trong cây mía, sẽ nâng cao năng suất và chất lượng…

3. Tăng thu nhập thông qua trồng xen cây họ đậu trong ruộng mía

 

Trước đây, nông dân trên vùng nguyên liệu chưa chú trọng đến hiệu quả trồng xen canh cây họ đậu trong ruộng mía. Từ lúc trồng mía hoặc sau khi thu hoạch đến giai đoạn đầu vươn lóng, chiều cao cây mía thấp, số lá ít, khoảng trống giữa 2 hàng mía sẽ tạo điều kiện để cỏ dại phát triển, canh tranh nước, ánh sáng và dinh dưỡng đối với cây mía. Từ khi được Trung tâm ứng dụng TBKHKT thuộc Sở Khoa học và Công nghệ triển khai xây dựng mô hình xen canh, thu nhập người trồng mía tăng thêm 15 triệu đồng/ha từ cây trồng xen. Ngoài ra, việc trồng xen cây họ đậu trong ruộng mía sẽ hạn chế sự bay hơi nước, cỏ dại; sau khi thu hoạch sẽ bổ sung đáng kể chất hữu cơ cải tạo đất. Rễ cây họ đậu được vi khuẩn Rhizobium cộng sinh, có khả năng tổng hợp đạm từ khí trời cung cấp cho cây họ đậu, đây cũng là nguồn phân bón bổ sung thêm cho cây mía. Trồng xen cây họ đậu trong ruộng mía đã tăng năng suất  mía thêm từ 5-10% so với trồng thuần. Ngoài ra, cây trồng xen giúp các loài thiện địch có ích sinh trưởng và phát triển nhiều hơn, hạn chế các loại sâu đục thân và rệp xơ bông trắng gây hại. Giảm chi phí mua và phun thuốc bảo vệ thực vật, hạn chế sự ô nhiễm môi trường, đảm bảo sức khỏe người sản xuất.

Hội thảo đầu bờ về quy trình xen canh cây lạc trên diện tích trồng mía ở Nghệ An

Từ năm 2020, NASU sẽ tích cực vận động, truyên truyền nông dân mở rộng diện tích mía trồng xen canh với cây họ đậu. Đây là hướng phát triển bền vững cây mía đường khi Việt Nam thực hiện hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) vào ngày 01/01/2020, xóa bỏ hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường từ các nước.

4. Ứng dụng hệ thống tia hồng ngoại NIR minh bạch kiểm tra tạp chất và độ đường:

Để đảm bảo tính chính xác, công bằng, minh bạch trong việc xác định độ đường và tạp chất mía nguyên liệu của nông dân khi nhập về Nhà máy, chi trả tiền mía sau này. NASU lắp đặt hệ thống kiểm tra độ đường (CCS) tự động theo phương pháp quang phổ tia hồng ngoại Near Infrared (NIR) công nghệ của Australia. Hệ thống NIR sẽ tự động Scan và phân tích mía nguyên liệu sau khi mía đã được băm nhỏ, đánh tơi để đưa đến trục ép số 1 trên băng tải.

Ngoài kiểm tra độ đường, nhà cung cấp giải pháp công nghệ NIR cho biết, hệ thống có thể phân tích thành phần các chất dinh dưỡng chính có trong nước mía để từ đó xây dựng chế độ bón phân phù hợp. Đây là hướng đi mới cho NASU trong các năm sau.

5. Áp dụng công nghệ Thông tin vào quản lý đồng ruộng

Phần mềm "Cane Receivables" là phần mềm tin học tổng thể, khép kín toàn bộ quá trình điều hành sản xuất: Trồng và chăm sóc mía, đầu tư cho nông dân vốn vay, điều hành thu hoạch, kết nối hệ thống phân tích chất lượng mía, thanh toán và khấu trừ công nợ. Các báo cáo liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh được hỗ trợ từ phần mềm, giúp lãnh đạo công ty đưa ra các quyết định nhanh chóng, chính xác, kịp thời và hiệu quả. 

 Bên cạnh đó, hệ thống còn cung cấp tiện ích, hỗ trợ nông dân trồng mía tra cứu thông tin qua SMS về các giao dịch mua bán mía. Với hệ thống nhắn tin, nông dân và lái xe được cung cấp đầy đủ thông tin như: lệnh thu hoạch mía, thời gian sẽ vận chuyển, số điện thoại lái xe; sản lượng mía của gia đình, số tiền và các loại nợ phải trả. Tăng khả năng tương tác giữa nhà máy và nông dân giúp họ tránh được nhiều rủi ro trong sản xuất, giảm thiểu chi phí liên lạc…

Công ty sử dụng hệ thống mã vạch trong quản lý lệnh thu hoạch, vận tải mía đảm bảo thông tin chính xác từ nhà máy đến nông dân khi thu hoạch, tránh tình trạng gian dối xẩy ra.

Nông dân sau khi nhập mía nhà máy 48 giờ là nhận được tiền từ NASU với đa dang hình thức: tiền mặt, chuyển khoản qua hệ thống ngân hàng…Nông dân biết được thông tin về chất lượng mía của mình trên các phiếu nhận tiền mía.  Ngoài ra, nông dân sử dụng hệ thống tin nhắn SMS truy cập vào tổng đài NASU 7039 sẽ được thông báo cách thức, công thức bón phân để đạt năng suất đường cao nhất./.

Yến Ngọc